Từ cô giáo dạy trên núi đến giành học bổng Chính phủ Úc
Rời thành phố lên vùng cao dạy tiếng Anh, ước mơ du học của Minh Hiển trỗi dậy khi nhận ra cần học hỏi để góp phần giảm khoảng cách giáo dục và truyền cảm hứng cho học trò người Cor.
Nguyễn Thị Minh Hiển, 27 tuổi, giáo viên THPT Tây Trà, Quảng Ngãi, chuẩn bị lên đường du học thạc sĩ Giáo dục, chuyên ngành TESOL – phương pháp giảng dạy tiếng Anh, với học bổng toàn phần AAS của Chính phủ Úc.
“Tôi nghĩ mình may mắn khi đạt học bổng này, mong rằng hành trình của tôi sẽ gieo thêm hy vọng và động lực cho các học sinh ở Tây Trà tiến lên”, Hiển nói.
Hiển nói yêu thích học tiếng Anh từ đam mê truyện tranh thời cấp hai. Vì phải chờ bản tiếng Việt quá lâu, cô lên mạng mày mò đọc bản tiếng Anh, rồi dần trở thành thói quen hàng ngày.
Kể về hành trình dạy tiếng Anh trên núi cho người Cor, Hiền cho biết có nhiều rào cản khác, như thiếu thiết bị học tập, học sinh hạn chế trong giao tiếp…, nhưng cô đều cố gắng tìm cách dạy những bài học phức tạp thông qua trò chơi, hình ảnh sinh động…
Ở miền núi nhưng Hiển tích cực nghiên cứu khoa học và tham gia hội thảo quốc tế. Từ kinh nghiệm thực tế, Hiển viết về ứng dụng internet trong học tiếng Anh ở trường THPT Tây Trà, được đăng trong kỷ yếu Hội thảo quốc tế VietTESOL 2022 của Phân hội nghiên cứu và giảng dạy tiếng Anh tại Việt Nam. Mới đây, với chủ đề ứng dụng AI (trí tuệ nhân tạo) trong giảng dạy kỹ năng đọc, cô trở thành diễn giả trẻ nhất tại Hội thảo TESOL Elevate 2024 do Đại sứ quán Mỹ tổ chức.
Ngoài ra, Hiển còn kết nối với các quỹ học bổng để hỗ trợ học sinh nghèo vào đại học.
Minh Hiển cho rằng quá trình dấn thân lên vùng cao đã giúp bản thân – vốn lớn lên ở thành phố – nhìn nhận rõ khoảng cách trong giáo dục giữa các vùng, miền. Cô tin rằng điều này có thể được rút ngắn nhờ ứng dụng công nghệ trong giảng dạy.
“Vì thế, ước mơ du học để học hỏi tri thức, công nghệ mới trong tôi lại trỗi dậy”, cô nói.
Hiển bắt tay tìm hiểu và ứng tuyển các học bổng Chính phủ như Fulbright (Mỹ), Chevening (Anh) và AAS (Úc) bởi đây đều là học bổng toàn phần. Cô thường vào trang web chính thức của học bổng, đồng thời kết nối với các cựu ứng viên qua Facebook và hội thảo để nắm thông tin.
Dù chuẩn bị kỹ, Hiển trượt phỏng vấn học bổng Fulbright và Chevening.
“Thất bại dạy tôi cách chuẩn bị tốt hơn,” Hiển nói. “Dù hụt hẫng, tôi xác định phải nhanh chóng xốc lại tinh thần”.
Niềm vui đến với Hiển vào tháng 8 năm ngoái, khi nhận tin trúng học bổng AAS. Trong hồ sơ ứng tuyển, Hiển xoay quanh mục tiêu đóng góp xã hội tại Việt Nam và tăng cường kết nối giáo dục giữa Việt Nam và Úc. Để du học, Hiển trải qua một khóa học tiếng Anh ở Đại học RMIT, được đánh giá đạt yêu cầu.
Sau ba lần ứng tuyển, Hiển nhìn nhận các ứng viên muốn giành học bổng cần xây dựng nền tảng sớm, có thành tích học tập tốt, tích cực tham gia nghiên cứu khoa học và hoạt động xã hội.
“Ngoài ra cần nắm bắt ‘từ khóa’ của học bổng, ví dụ như AAS đề cao khả năng lãnh đạo và đóng góp cộng đồng, các học bổng khác có thể có tiêu chí khác”, Hiển chia sẻ.
“Hiển đã gặt hái những quả ngọt đầu tiên”, thầy nói. Năm 2024 vừa qua, cô Hiển góp phần giúp điểm tiếng Anh của học sinh toàn trường đạt 6,05, cao hơn trung bình cả nước (5,51 điểm). Nữ giáo viên cũng có một học trò đạt 6.0 IELTS, là lần đầu tiên ở trường.
“Ngoài ra, cô Hiển luôn gần gũi, quan tâm, chia sẻ và truyền lửa cho học sinh tiếp tục đến trường, theo đuổi tri thức”, thầy nhận xét.
Dù lên đường du học, Hiển định vẫn duy trì kết nối với học trò cũ để tư vấn và hướng dẫn các em. Lứa học sinh đầu tiên của Hiển đã tốt nghiệp THPT năm ngoái, trong đó 30 em đậu đại học, cao đẳng.
Cô tin rằng, mỗi học sinh vùng cao đều có tiềm năng, chỉ cần được tin tưởng và trao cơ hội.
“Tôi hy vọng mình sẽ như một người chị cả, một ‘mentor’ – cố vấn, để các em có thể đạt được những ước mơ xa hơn nữa”, Hiển nói.